Ở Úc, xe ô tô là một phương tiện giao thông chính nên việc sở hữu một chiếc xe và những điều cần biết xung quanh một chiếc ô tô là điều mà những người mới tới Úc để học tập hay định cư là điều có lẽ là nhiều người sẽ quan tâm. Hôm nay Review Úc quyết định viết bài này có sửa chữa dựa trên bài cũ của tác giả đã viết vào những năm 2015, 2016. Những thông tin trong bài này đều là góc nhìn và trải nghiệm riêng của bản thân tác giả nên có thể có người đồng tình, có người phản đối. Tác giả rất mong nhận được góp ý hay những lời động viên của các bạn. Nếu có thể xin vui lòng để lại bình luận để mình biết các bạn có đọc bài nhé!
MUA XE
Đối với những các bạn có điều kiện tốt thì việc mua một chiếc xe mới luôn luôn là lựa chọn tốt nhất. Xin lưu ý một chút là với kinh nghiệm mua xe thực tế của mình thì việc mua xe mới chính hãng ở các cửa hàng vẫn có thể thỏa thuận được giá so với giá mà nhân viên tư vấn báo. Ngoài ra, bạn cũng có thể thỏa thuận thêm về việc miễn phí bảo hành xe tăng hơn so với gói bảo hành thông thường nhé. Vậy nên, các bạn lưu ý điều này để có thể giảm được một chút chi phí cho việc mua xe nhé. Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ viết chủ yếu về trường hợp mua xe cũ.
Trên thực tế, có rất nhiều cách để các bạn có thể mua được xe cũ. Review Úc xin liệt kê một số cách để các bạn có thể tham khảo và có nhiều sự lựa chọn hơn nhé.
Nên thuê một thợ máy, người am hiểu về ô tô hỗ trợ nếu có thể.
Cách 1: Mua xe thông qua thông tin quảng cáo trên các website.
Bạn có thể lên một số website như Carsales.com.au, Melbourne Cheapest Cars, Gumtree.com.au … tìm kiếm các loại xe mình dự định mua, thông số chi tiết về năm sản xuất, số tay hay tự động, số ghế xe, loại nhiên liệu xe sử dụng, thời hạn thuế đường … Mình xin phân tích một chút thông tin trên website được sử dụng rất nhiều là www.carsales.com.au. Trên website này thường có 2 đối tượng bán xe cũ: Một là do các cửa hàng bán mua bán xe cũ đăng lên (tiếng anh là dealer) và đối tượng còn lại là cá nhân bán xe riêng. Những mẫu quảng cáo nào có chữ Car Fact thì là những xe đó đã được xác nhận là xe có thật, còn ngược lại thì chưa được xác nhận. Các bạn so sánh, đối chiếu, rồi liên hệ xem xe và nếu thấy phù hợp thì mua nhé.
Điều lưu ý đầu tiên là: Kiểm tra giấy đăng ký xe, quyền sở hữu xe của người bán xe. Thường chủ xe sau khi đăng ký xe thì có một tờ giấy tên là Vehicla registration certificate. Trên tờ giấy này thường có thông tin của xe bao gồm số máy (VIN Number), tên hãng xe, màu xe, kiểu dáng xe …. và bạn cũng có quyền yêu cầu chủ xe cho mình xem ID của họ. Đừng tuyệt đối tin tưởng người lạ vì đôi khi chưa chắc xe họ rao bán đã thuộc quyền sở hữu của họ.
Điều lưu ý thứ 2 là các bạn nên xem kĩ về phần máy của xe, thông thường máy xe có các loại động cơ với dung tích xi lanh từ 1.4L, 2.0L, 2.4L, 3.0L, 3.6L … Theo hiểu biết cá nhân mình thì các loại xe có thông số dung tích xi lanh 2.4L trở xuống thì thường xe ít tốn xăng hơn và đối với những người muốn một chiếc xe tiết kiệm xăng thì có lẽ 2.4L trở xuống là phù hợp nhất. Còn đối với các xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên ưu điểm là máy khỏe hơn, chạy bốc hơn, tăng tốc nhanh hơn nhưng nhược điểm là tốn xăng hơn. Tùy vào nhu cầu sử dụng của từng người và điều kiện cụ thể để có quyết phù hợp nhất.
Cận thận kẻo mua một chiếc xe về uống xăng theo nghĩa đen.
Điều thứ 3 lưu ý là nếu những xe sản xuất trước năm 2008 thì thông thường cứ 100.000km lại phải thay dây cu roa (tiếng Anh là Timing belt), các bạn nên để ý những cái xe cũ mà cứ tầm 190.000km rồi chẳng hạn thì cũng nên cân nhắc vì nếu xe tuổi cao thì dễ hỏng hóc dẫn đến tốn tiền sửa chữa.
Điều thứ 4 là các bạn phải hỏi rõ về vấn đề người bán có cung cấp xác nhận xuống đường RWC (Roadworthy Certificate) hay mình phải tự làm. Thông thường thì người bán sẽ cung cấp giấy xuống đường này tuy nhiên điều này không phải là bắt buộc và hai bên có thể thỏa thuận để bên mua tự lấy giấy RWC này. Mình khuyên là nếu các bạn mua xe thì nên yêu cầu người bán cung cấp cho mình, kẻo các bạn tự làm có thể rất tốn kém và chuốc cái bực vào mình. Để lấy RWC này thì người mua/ bán tùy vào thỏa thuận ở trên mang ra một cửa hàng có khả năng cung cấp giấy RWC này để thợ họ kiểm tra xe và cấp giấy chứng nhận này. Nếu xe không đảm bảo, cần sửa chữa, thay thế phụ kiện thì thợ của cửa hàng thường cũng tư vấn và thông báo luôn. Sau khi có tờ giấy này cùng mẫu đơn mua bán xe đã được hai bên thỏa thuận thì bạn có thể mang ra sở giao thông của tiểu bang mình ở để đăng ký. Việc thủ tục mua bán xe và đăng ký này cũng tùy tiểu bang có thể có sự khác nhau ít nhiều nên các bạn ở tiểu bang nào ở Úc thì nên tìm đọc thêm thông tin ở tiểu bang đó nhé.
Điều thứ 4: Hãy nhờ một thợ máy nào đó đi kiểm tra xe cùng, điều đó sẽ đảm bảo chất lượng chiếc xe hơn cho bạn vì họ có chuyên môn về xe.
Điều cuối cùng nhưng là điều mà quan trọng nhất trước khi tiến hành đặt cọc hoặc kí giấy mua bán xe đó là: Bạn hãy tự mình kiểm tra xem là xe này có từng bị ăn cắp, có còn nợ tiền vay của các tổ chức tín dụng hay có bị ghi chú là “xe đã bỏ – written off” không nhé.
– Thông báo xe bị ăn cắp (Stolen Vehicle Notifiation): Nếu có thông tin này tốt nhất hãy bỏ ngay ý định mua chiếc xe này.
– Thông báo xe còn nợ tiền: Trên thực tế việc chủ nhân mua một chiếc và vay nợ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng không phải hiếm ở Úc. Có một số chủ xe còn nợ tiền này mặc dù theo luật không được bán xe cho người khác trước khi trả hết nợ cho tổ chức tín dụng vẫn tiến hành rao bán xe. Có trường hợp lấy tiền đặt cọc và sau đó việc mua bán xe không thành nhưng không chịu trả lại tiền, có trường hợp thì người chủ xe viết giấy bán xe, thu tiền đủ nhưng người mua không thể tiến hành làm thủ tục sang tên xe thì mới biết. Và trong các trường hợp này người thiệt thòi đầu tiên là người đi mua xe vì sẽ phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để giải quyết một vấn đề đáng lẽ không nên mắc phải. Chính vì thế nếu nhìn thấy tình trạng xe còn nợ tiền các tổ chức tín dụng thì theo ý kiến cá nhân của tác giả các bạn nên tránh. Có nhiều trường hợp chủ xe có thể thỏa thuận với bạn rằng có thể sắp xếp sự thỏa thuận giữa chủ xe, người mua xe và đơn vị tín dụng để đảm bảo việc sang nhượng xe. Trong trường hợp này người mua phải cực kì cẩn thận tránh tiền mất, tật mang. Nếu bạn quá thích chiếc xe và đồng ý thỏa thuận ba bên thì tác giả khuyên bạn nên liên lạc thêm luật sư để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình nhé.
– Thông báo Written off: Hãy hỏi chủ xe rằng xe đã từng ghi là “xe bỏ – written off” hay không? Câu tiếng Anh có thể là: Has this vehicle been recorded as written off? Để các bạn hiểu rõ hơn thì mình xin giải thích một chút về khái niệm “written off” theo hiểu biết cá nhân để các bạn hình dung nhé. Một chiếc xe được ghi trong lịch sử là written off là chiếc xe đó đã từng được bỏ đi, tức không còn được đăng ký sử dụng nữa và không còn đủ điều kiện để lưu thông trên đường. Thông thường các xe có lịch sử này là những chiếc xe đã từng bị tai nạn nghiêm trọng và việc khôi phục, sửa chữa có thể quá tốn kém nên chủ nhân các xe này có thể quyết định bỏ xe. Hoặc trong trường hợp các hãng bảo hiểm khi tiến hành thủ tục đền bù họ nhận thấy rằng việc đền bù tiền cho một chiếc xe với giá thị trường hay thỏa thuận ngang bằng hoặc còn ít hơn so với chi phí sửa chữa lại chiếc xe đã bị tai nạn đấy. Xe bỏ thường được sử dụng để lấy phụ tùng nhằm thay thế, sửa chữa cho các xe khác. Tuy nhiên, thực tế thì có thể chủ nhân của chiếc xe hoặc người mua lại xác xe đã hỏng này tiến hành sửa chữa và đăng ký xuống đường và sau khi được nhân viên của sở giao thông tiểu bang kiểm tra (inspection) thấy xe đủ điều kiện xuống đường thì cho phép. Xin lưu ý rằng xe đã từng bị “bỏ – written off” mà được cấp phép xuống đường trở lại là hoàn toàn hợp pháp, đúng luật. Tuy nhiên chúng ta, những người mua xe nên biết để còn trả giá rẻ hơn so với giá thị trường để tránh bị hớ nếu lỡ thích. Ngoài ra, có những bạn có quan niệm không thích mua xe đã từng bị tai nạn thì cũng biết để tránh mua. Trong mẫu đơn có tên “Application for transfer of registration” của Vicroads của tiểu bang Victoria có câu: Is this vehicle recorded on the Victorian or interstate written-off vehicles register? Nếu xe đã bị bỏ ở thời điểm điền đơn này thì câu trả lời phải là YES. Tuy nhiên, cá nhân mình không rõ nếu xe đã được sửa chữa, phục hồi và đã đăng ký xuống đường thành công rồi thì câu trả lời này có bắt buộc phải là YES hay không vì nó chỉ thuộc về lịch sử xe đã từng. Chính vì thế nên tác giả xin cung cấp cho bạn một trang web chính thức của chính phủ để bạn có thể kiểm tra các thông tin: Xe bị trộm, xe đang nợ tiền hay xe đã hoặc đang bị ghi là written off với chi phí chỉ có 2$ mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên kiểm tra thông số này khi chúng ta thực sự kết và muốn mua chiếc xe đó rồi. Hình minh họa là thực tế một người bạn của người viết bài rất kết chiếc xe, tuy nhiên sau khi được mình hướng dẫn kiểm tra thì mới phát hiện ra xe đã từng “bị xóa sổ” mà người bán không hề thông báo.
Trang website để kiểm tra: https://transact.ppsr.gov.au/ppsr/QuickVINSearch
Cẩn thận kiểm tra trên trang www.ppsr.gov.au thông tin xe bị ăn cắp, còn nợ tiền hoặc xe đã bị written off.
Cách 2: Mua xe của bạn bè, người quen, người thân.
Bạn có thể mua xe của bạn bè, người thân mà mình quen và biết rõ về chiếc xe đó. Trong trường hợp này nếu bạn bè, người thân có xe cộ còn tốt muốn bán thì là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu trường hợp bạn không nắm được lịch sử chiếc xe thì cũng như mình đề cập ở trên là bạn nên hỏi và nếu thích thật sự thì cũng nên kiểm tra theo website mình cung cấp ở trên. Dù quen biết các bạn cũng cần lưu ý về vấn đề giấy Roadworthy Certificate (RWC) xem người bán sẽ cung cấp cho mình hay mình tự đi xin giấy này nhé. Càng bạn bè, người thân thì càng thỏa thuận thật kĩ, thuận mua vừa bán kẻo sau này chẳng may hỏng hóc lại mất lòng nhau.
Mua xe của bạn bè, người quen, thân cũng cần rõ ràng ngay từ đầu.
Cách 3: Mua xe đấu giá.
Ở Úc có một cách mua xe khá lạ lẫm vì thường những điều này chúng ta ít có cơ hội nhìn thấy tận mắt ở Việt Nam, đó chính là mua xe ở các buổi đấu giá. Mình lấy ví dụ ở thành phố Melbourne có một công ty có tên là Manheim Melbourne, nơi mà trong thời gian không có dịch bệnh Covid-19 thì có hàng ngàn chiếc xe được mang ra đấu giá mỗi tuần. Mỗi tuần sẽ có 2-3 buổi mở bán đấu giá, và người mua phải quyết định rất nhanh chóng và phải tranh giành với người mua khác chỉ trong khoảng 1-2 phút đồng hồ đối với những xe “ngon”. Khi mua xe ở đây thì phải lưu ý bạn phải tự làm giấy RWC, và nếu chẳng may mua xong có hỏng hóc nặng trước khi tiến hành làm giấy RWC cũng phải tự sửa và tự thanh toán chi phí này. Có người mua xe xem không kĩ và không may thì về phải bắn sắt vụn luôn vì tiền sửa xe nhiều hơn cả tiền mua xe. Tuy nhiên, nếu may mắn bạn vẫn có thể mua đc những chiếc xe tốt với giá rẻ. Lời khuyên vẫn là bạn có sự chuẩn bị trước bằng cách nhờ thợ máy tới đó xem vài chiếc xe trước 1-2 ngày và mình nhắm luôn mấy con xe đấy để đấu giá. Trước giờ đấu giá thì có thể nổ thử máy để kiểm tra kĩ hơn như nghe tiếng máy xe, kiểm tra xe xe có bị chảy dầu không … Khi bạn đã ưng rồi thì chỉ còn quyết định ở phiên đấu giá. Ở buổi đấu giá sẽ có rất nhiều người tham gia, ai ra giá cao nhất người đó có thể mua được chiếc xe. Tuy nhiên thực tế đôi khi dù trả giá cao nhất bạn vẫn không mua được chiếc xe đấy vì chủ nhân chiếc xe không đồng ý với mức giá đó mà họ muốn mức giá cao hơn. Thế nên có lần mình đã trả giá cao nhất rồi mà cuối cùng phải về tay không cũng vì lí do đó. Dù mua xe hay không các bạn cũng nên đi thử cho biết nếu có thời gian vì nó khá vui.
Cẩn thận kẻo mua xe về trở thành đống sắt vụn.
BÁN XE
Các bạn muốn bán thì có thể rao trên các trang web như mình để cập ở mục mua xe: Ví dụ Carsales.com.au, gumtree.com.au hoặc cũng có thể bán cho các cửa hàng mua bán xe cũ (dealer) hoặc là các hãng xe. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng bài bài lên một số nhóm Facebook để mọi người được biết. Nhưng giá cả thì theo mình các bạn nên tham khảo giá thị trường trên các website như Carsales.com.au để có thể đưa ra cái giá hợp lý để việc bán xe diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Các bạn cũng nên tìm hiểu chỗ để làm Roadworthy Certificate (RWC) nhé, bạn cũng cần lường trước việc có thể phải thay thế, sửa chữa một số phụ kiện để đảm bảo lấy giấy RWC trước khi bán xe nhé. Giấy RWC này cũng chỉ nên tiến hành lấy khi đã có người quyết định mua hoặc ít nhất đặt cọc để mua xe và nên thỏa thuận rõ nếu không mua thì tiền đặt cọc là không hoàn lại. Giá làm Roadworthy Certificate (RWC) nếu xe tốt, không có vấn đề gì dao động khoảng 150$.
Bài đã quá dài, xin mời các bạn đọc thêm phần: Bảo hiểm xe và kinh nghiệm xử lý trong trường hợp tai nạn tại đây.
Mời xem thêm các bài khác cùng chuyên mục tại đây.
Cuối cùng, đừng bao giờ vội tin Việt kiều, 90% bạn sẽ dính đòn kg sớm thì muộn ! Hay cố học English tốt mà chiến với tây thôi.
Thực ra thì tây hay ta đều có người tốt và người chưa tốt, hiện nay những người sắc tộc khác kể cả tây trắng cũng thực hiện rất nhiều chiêu lừa đảo đó bạn. Tốt nhất như bạn nói cứ nên cẩn thận thì hơn. Cảm ơn bạn đã bình luận nha!